Thảo mai là gì? Dù không có trong từ vựng tiếng Việt nhưng cụm từ thảo mai hiện nay được rất nhiều bạn trẻ sử dụng. Cùng tìm hiểu thảo mai là gì ngay nhé.
Trong khoảng thời gian một năm trở lại đây, bộ phim ''Phía trước là bầu trời'' vốn quen thuộc với thế hệ 8X, 9X bỗng nhiên trở lại với những trích đoạn vô cùng đặc sắc với sự xuất hiện của nhân vật Nguyệt, một cô gái với lối sống hiện thực, vật chất và có tính cách khá đặc biệt trong số những nhân vật nữ phim truyền hình, cô được cư dân mạng gọi bằng cái tên: Nguyệt thảo mai. Và tất nhiên, với cách nhìn nhận của xã hội hiện nay, cụm từ ''thảo mai'' vừa mang tính hài hước, vừa mang ý nghĩa châm biếm không mấy tích cực. Thế nhưng, có thật rằng ''thảo mai'' là một đặc điểm hoàn toàn xấu, cho dù nó được vận dụng như thế nào và diễn ra trong hoàn cảnh thực tế nào của cuộc sống?
Và như tiêu đề bài viết, mục đích của tôi với chủ đề này đó là muốn đưa ra những cái nhìn sâu sắc và toàn diện hơn về những con người mang tính cách và lối hành xử như trên, để ta có thể ''công bằng'' đánh giá về họ mà không dựa vào những thành kiến tiêu cực, cái nhìn cảm tính; để ta có thể hiểu rằng, thảo mai không có gì không tốt, điều quan trọng là chúng ta dùng đặc điểm ấy với mục đích gì.
Vậy trước hết, để cùng nhau đi sâu vào bàn luận vấn đề này, tôi muốn đưa ra những định nghĩa khái quát của xã hội về tính cách ''thảo mai'' của con người.
Như đã nói ở trên, vốn dĩ từ ngữ này đã mang theo hàm nghĩa tiêu cực và chê trách. Nhiều người quan niệm rằng, thảo mai đồng nghĩa với sự giả tạo, nói một đằng làm một nẻo, đong đưa, không kiên định, muốn lấy lòng tất cả mọi người để mưu đồ lợi ích cho chính mình trong khi thật sự bản thân mình không ưa thích gì người ấy. Có một câu thành ngữ của ông cha ta rất phù hợp với quan niệm này: Miệng nam mô, bụng bồ dao găm.
Là một người trẻ, môi trường xung quanh tôi là một môi trường năng động và tiếp nhận những xu hướng rất nhanh, vì vậy tần suất tôi nghe được những lời phàn nàn, cười cợt, chế nhạo về đặc điểm này là cực kì nhiều. Ngay chính bản thân tôi, trước khi tôi thực sự tiếp xúc, chịu tìm hiểu những con người mang tính cách ''thảo mai'' kia, khi thấy một ai đó ứng xử trong ngoài không đồng nhất, tôi vẫn thường dùng ''thảo mai'' để hình dung với bạn bè.
Vì vậy, là một trong số ít những người phát hiện ra ''nỗi oan'' của họ, có lẽ tôi phải có trách nhiệm tìm lại ''công bằng'' một phần nào đó cho những người này. Nghe có vẻ vô lý nhưng lại rất thuyết phục đúng không nào?
Sau đây tôi sẽ đưa ra ba luận điểm để thuận lợi trong việc ''bào chữa'' cho những ''thân chủ'' của mình.
Đây có lẽ là điều quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ trong bài viết này, và cũng là một thông điệp nho nhỏ nhưng cũng rất hữu ích tôi muốn nhắn nhủ tới các bạn. Nhiều người đã mang thành kiến quá lớn với sự ''thảo mai'' để có thể nhận ra những lợi ích cho cả bản thân mình và người khác trong cách sống này. Tất nhiên, như tôi đã nhấn mạnh, ''thảo mai một cách khéo léo''.
Trong nhiều cuốn sách bàn về kỹ năng sống trong nhiều năm gần đây, đặc biệt với cuốn ''Đắc nhân tâm'' vô cùng nổi tiếng với giới trẻ của tác giả Dale Carnegie, đã nhắc đến nghệ thuật của sự thành công. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên và không tin nhưng với tôi, những người thành công phần nhiều đều mang trong mình đặc điểm ''thảo mai'' mà bạn vốn chán ghét ấy.
Thành thực mà nói, khi còn bé, khoảng tầm cấp 2, cấp 3 tôi thật sự có ác cảm với những người bạn được gọi là ''con cưng'' của các thầy cô giáo. Không phải họ học giỏi hay có thành tích gì nổi trội, chỉ đơn giản là họ biết cách làm vui lòng thầy cô và chia sẻ nhiều chuyện vui buồn cùng họ. Trong con mắt của một đứa bé không còn là trẻ con và cũng chưa trở thành người lớn khi ấy, điều đó đồng nghĩa với việc những người bạn ấy sẽ trở thành kẻ thù chung của cả lớp. Nhưng đến tận bây giờ khi ngẫm lại, tôi lại cảm thấy khâm phục những người bạn như vậy. Họ đã làm được những điều không phải ai cũng có thể làm được, họ biết cách quan sát, có một con mắt tinh tế và biết lựa chọn ngôn từ, cách hành xử để cả mình và đối phương đều được vui lòng. Trước đây tôi cứ nghĩ tính cách bộc trực, nóng vội của mình là sự thẳng thắn, nhưng lại chẳng biết rằng chính điều đó đã lấy đi nhiều cơ hội quý giá mà đến tận bây giờ có lẽ tôi sẽ không bao giờ tìm lại được.
Rất nhiều người trong chúng ta đánh đồng sự thiếu khéo léo trong giao tiếp với sự thật lòng , và cũng có rất nhiều người nhầm tưởng sự ''thảo mai'' là tính giả tạo.
Khi giao tiếp với người khác, bạn có thật sự tập trung vào những gì họ nói, bạn có quan sát thật kỹ những biểu cảm trên khuôn mặt họ và nắm bắt kịp thời những thay đổi cảm xúc trong cách hành xử của họ? Nếu câu trả lời là không, hẳn bạn cũng có những lần thẳng thừng chê bai một chiếc áo trông thật quê mùa của một người bạn khi được xin đánh giá về cách ăn mặc. Bạn tưởng rằng lời nhận xét của mình ngay lập tức có thể khiến cô bạn kia thay đổi phong cách, hay chí ít cũng có thể nhìn nhận bạn như một người bạn thẳng tính và tốt bụng. Vậy mà từ sau lần nhận xét ấy, cô bạn kia dường như không còn thân thiết với bạn như xưa và cô ấy cũng không lại hỏi bạn bất kỳ điều gì liên quan tới thời trang nữa. Điều gì khiến mọi chuyện xảy ra không như những gì bạn dự tính? Phải chăng do người bạn kia quá hẹp hòi và không thể đón nhận những lời khuyên chân thực?
Thế nhưng đã bao giờ bạn nghĩ đến phía sau bộ đồ bạn chê là quê mùa ấy, là công sức chọn lựa cả một ngày trời, khi mặc lên mình chiếc áo ấy, cô ấy cảm thấy tự tin hơn bao giờ hết và cô ấy thấy cần phải chia sẻ niềm vui này với bạn. Hãy chú ý quan sát vẻ mặt rạng rỡ và tự hào của cô ấy, bạn sẽ thấy rằng thứ cô ấy cần chắc chắn không phải là một lời chê bai thẳng thừng, mà là một lời khích lệ, động viên và khen ngợi.
Nếu thật sự muốn góp ý một cách khéo léo, hãy đáp lại nhu cầu muốn được công nhận của cô ấy mà vẫn thể hiện được ý kiến riêng của bạn, chẳng hạn như: Chân váy này mà màu xanh và được phối với một chiếc áo croptop màu trắng thì trông cậu còn xinh hơn nhiều. Một câu nói nghe có vẻ rất đơn giản nhưng chắc chắn sẽ không gây khó chịu, làm tổn thương người khác như lời buộc miệng của bạn: Cái váy màu vàng với áo sơ mi này của cậu trông quê chết đi được, cậu đừng nên mặc nó nữa thì hơn. Một lời nói tưởng như nhẹ nhàng, thẳng tính lại tiềm ẩn nguy cơ làm rạn vỡ mối quan hệ tốt đẹp của bạn, và biết đâu trong tương lai, chính với cách giao tiếp như vậy sẽ khiến bạn mất đi một khách hàng tiềm năng quan trọng cho công ty khởi nghiệp mới đi vào hoạt động của mình.
Với tôi, khéo léo trong giao tiếp không đồng nhất với sự giả tạo. Không ai trong chúng ta muốn làm bạn và hợp tác với một người luôn luôn chỉ biết đưa ra những điều tiêu cực, và cũng không ai trong chúng ta không thích thú với những lời khen có giá trị. Vậy tại sao không ''thảo mai'' một chút, không vòng vo một chút, để trở thành một người giao tiếp thông minh hơn?
Yếu tố cốt lõi mang tính quyết định giúp bạn duy trì và nâng cao mối quan hệ tốt đẹp với người khác, suy cho cùng chính là sự chân thành. Nói rằng ''thảo mai'' là nét tính cách đặc biệt của một nhà ngoại giao tài ba không có nghĩa là cổ vũ cho những lời khen dối trá, sáo rỗng, cho cách hành xử trong ngoài bất nhất của một số người luôn đặt lợi ích của mình lên trên tất cả.
Sự chân thành nằm trong cả những lời góp ý khéo léo của bạn dành cho họ, đó là khi bạn thực sự muốn giúp họ tốt hơn và hoàn thiện hơn. Kể cả đối với lời khen, chúng ta cũng cần phải thực sự cẩn trọng. Tại sao vậy?
Nhiều người trong chúng ta thường áp dụng lời khen ở tất cả mọi nơi, trong tất cả mọi trường hợp cốt để làm vui lòng người khác và khiến họ có cái nhìn thiện cảm hơn về mình. Điều đó cố nhiên là một trong những giá trị cơ bản của sự khen ngợi. Thế nhưng đừng quên câu danh ngôn sau đây: He who praises everybody, praises nobody (Người khen ngợi tất cả mọi người, người đó chẳng hề khen một ai cả). Lời khen phải chăng thật sự còn có giá trị nếu như bạn coi nó như lời mở đầu sáo rỗng cho một cuộc hội thoại, bạn khen ngợi trong khi ngay cả bản thân bạn thật sự cũng không nhìn thấy được ưu điểm của người đó? Tôi gọi đó là lời khen ''chết''. Nó không giúp ích được gì cho mối quan hệ và công việc của bạn, ngược lại, người khác sẽ có ấn tượng về bạn như một cỗ máy chỉ biết tạo ra những lời khuyên giả dối. Trên thực tế, không một ai muốn hợp tác hay làm bạn với người như vậy cả.
Hãy nhìn vào bài học thành công từ những danh nhân hàng đầu trên thế giới, đặc biệt đến từ những tỷ phú, những nhà kinh doanh tài năng, tất cả họ đều tìm được nghệ thuật giao tiếp của riêng mình, đến từ những lời khen chê đúng chỗ. Điều gì khiến họ chiếm được niềm tin của mọi người, ngay từ khi họ có thể vẫn còn là một cậu sinh viên bình thường trong một trường công lập, hay khi họ bắt đầu lập nghiệp từ những khu ổ chuột nghèo khó? Tất nhiên vẫn có rất nhiều người bỏ qua và thậm chí khinh thường họ nhưng sau cùng, vẫn còn lại những người bạn, người đồng minh sẵn sàng hợp tác và giúp đỡ họ từ hai bàn tay trắng. Cùng với tài năng và ý tưởng độc đáo của mình, chắc hẳn đây phải là một quá trình khó khăn để thuyết phục, gây ấn tượng và chiếm được lòng tin của những người cộng sự này. Điều đó không thể thiếu sức mạnh của nghệ thuật giao tiếp, của sự khéo léo mà chúng ta thường bị lầm tưởng với sự thảo mai giả tạo ấy.
Vì vậy, điều tiếp theo và cũng là điều cuối cùng tôi muốn chia sẻ trong bài viết này, đó chính là hãy chú ý hơn với lời nói và ngôn từ của bạn, bởi vì một ngày nào đó, nó có thể sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất đưa bạn tới thành công.
Hãy luôn ghi nhớ rằng: Appreciation is a wonderful thing: It makes what is excellent in others belong to us as well. ( Tán thưởng là một điều tuyệt vời: Nó biến những gì xuất sắc ở người khác cũng thuộc về chúng ta )
Cuối cùng, theo bạn, ''thảo mai'' có còn là một tính từ hoàn toàn tiêu cực nữa hay không?
>>> Xem thêm các bài viết:
Bài viết liên quan
Thi viên chức là gì? Quy định thi viên chức của Bộ Giáo Dục
Thi viên chức là gì? Thi viên chức được quy định như thế nào? Để không bị bỡ ngỡ khi tham gia cuộc thi quan trọng này, hãy đọc kỹ bài chia sẻ dưới đây.
Quản lý đơn hàng là gì? Quy trình quản lý chuẩn cho người bán hàng
Quản lý đơn hàng là gì? Học ngay cách quản lý đơn hàng qua bài viết bên dưới nếu bạn đang quản trị một doanh nghiệp bán hàng và muốn thu về lợi nhuận cao.
Biên dịch tiếng Anh là gì? Cách trở thành biên dịch viên chuyên nghiệp
Biên dịch tiếng Anh là gì? Làm thế nào để trở thành biên dịch chuyên nghiệp? Lương biên dịch có cao hay không? Tìm hiểu về nghề biên dịch viên.