Junior và Senior là hai thuật ngữ giới công nghệ thường dùng để phân chia trình độ giữa những người cùng làm trong một công ty, doanh nghiệp hay cùng trong một ngành/một lĩnh vực nào đó. Sau đây chúng tôi xin cung cấp một số hiểu biết về khái niệm của hai thuật ngữ này cùng với sự khác biệt giữa chúng và những kỹ năng cần có của một Senior.
Senior là gì? Junior là gì?
Senior dịch theo nghĩa tiếng anh được hiểu là những người thâm niên, những người đã có sự hiểu biết và kinh nghiệm dày dặn cũng như có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực mà họ đảm nhiệm. Có thể nói, Senior là những người có khả năng làm được những việc đòi hỏi kiến thức cao, trình độ cao và có khả năng chỉ dẫn những người mới vào làm trong lĩnh vực của họ. Các Senior thường rất được các công ty/doanh nghiệp coi trọng bởi họ đều là những người có thâm niên lâu năm trong nghề với kinh nghiệm làm việc dày dặn, có thể giải quyết những vấn đề khó khăn một cách dễ dàng.
Junior trong tiếng anh được dịch là những người nhỏ tuổi, ít kinh nghiệm và thường ở cấp dưới. Các Junior thường là những sinh viên mới ra trường và mới tiếp xúc với việc làm, chưa có hoặc có ít kinh nghiệm trong chuyên môn cũng như trong khả năng làm việc. Chiếm phần lớn thời gian công việc của họ là học hỏi kinh nghiệm từ Senior.
Một ví dụ nhỏ về Junior developer là: họ là những người chưa biết gì nhiều về công nghệ hoặc chỉ biết ở mức sơ sơ và chưa được trải nghiệm thực tế nhiều. Công việc của họ chủ yếu là viết code theo yêu cầu hoặc hoàn thành những công việc đơn giản. Việc chủ yếu của các Junior developer là học hỏi từ các Senior về công nghệ cũng như các cấu trúc dự án và viết code một cách hoàn thiện.

Sự khác biệt giữa Senior và Junior
-
Về kinh nghiệm: Vị trí Junior thường là những bạn sinh viên mới ra trường và chưa có kinh nghiệm. Còn Senior là những người đã đi làm được 4 – 5 năm trở lên. Tuy nhiên, cách phân chia theo tiêu chí này chỉ mang tính chất tương đối một phần, bởi đôi khi dựa vào số năm kinh nghiệm để phân chia thì không đánh giá hết được. Dù kinh nghiệm 5 – 6 năm nhưng người đó chỉ quanh quẩn làm những dự án nhỏ, công việc lặt vặt thì cũng không hơn Junior là bao!
-
Về mặt công nghệ: Junior là những người chưa biết gì về công nghệ hoặc mới chỉ được tìm hiểu sơ qua mà chưa được thực hành nó trên thực tế. Còn Senior phải là những người có kinh nghiệm lâu năm với công nghệ/ngôn ngữ lập trình bởi họ đã được trải qua nhiều dự án lớn nhỏ nên tích lũy cho mình được khá nhiều những hiểu biết về ưu nhược điểm của công nghệ đó.
-
Khả năng viết code: Junior chỉ cần biết viết code một cách đơn giản và thao tác nhanh cho code chạy được là được và chỉ cần hoàn thành đúng nhiệm vụ đề ra. Còn Senior không chỉ biết viết code mà còn phải thao tác một cách tinh gọn và tối ưu nhất nhằm dễ bảo trì, vận dụng linh hoạt design pattern vào giải quyết vấn đề khi cần thiết.
-
Khả năng quản lý công việc: Junior thường chỉ được giao những code và task nhỏ để dễ dàng hoàn thành công việc nhằm mục đích giúp họ học hỏi thêm về việc làm quen với code base và hệ thống. Trong khi đó, các Senior sẽ là những người đảm nhận những công việc lớn,sau đó chia thành những task nhỏ… rồi giao việc cho những người khác nếu họ thấy cần thiết.
-
Khả năng giải quyết vấn đề: Junior thường mất khá nhiều thời gian để tìm hiểu về các lỗi xem bị lỗi ở đâu và phải giải quyết ra sao, sau khi xem xét kĩ lỗi đó họ mới có thể fix bug bởi kinh nghiệm và chuyên môn của họ còn ở mức thấp. Senior thì ngược lại, họ được trang bị bởi nhiều năm kinh nghiệm và kiến thức nên họ dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nguyên nhân gây lỗi và giải quyết vấn đề nhanh chóng.
-
Trách nhiệm và thái độ làm việc: Phần lớn thời gian của Junior là dành cho việc học hỏi công nghệ và các cấu trúc của dự án, học cách viết code từ các Senior. Còn các Senior chính là người dạy những kĩ năng đó cho Junior, họ là người lựa chọn công nghệ và từ đó sẽ đặt ra quy trình cũng như cách cải tiến nó cho phù hợp. Senior phải có tầm nhìn một cách hệ thống để có thể tham gia vào thiết kế phần mềm cho phù hợp,có trách nhiệm lớn trong việc làm Mentor cho các Junior hay là những thành viên mới vào nhập team.
-
Về tiền lương: Do các Senior đều là những người thâm niên trong nghề và gánh trách nhiệm cao cả, nên lương thường sẽ cao gấp 3 – 5 lần so với Junior
Có thể tóm lại là, Senior và Junior khác biệt nhau chủ yếu là về kinh nghiệm và trình độ chuyên môn. Tuy nhiên điểm giống giữa hai đối tượng này là phải luôn luôn học hỏi tìm tòi để trau dồi kiến thức mỗi ngày, để vươn cao vươn xa hơn nữa trong công việc chứ không phải là giậm chân tại chỗ. Có một sự thật là, trong môi trường làm việc khắc nghiệt, nếu các Senior không làm tròn bổn phận của mình và không chịu cập nhật kiến thức thì sẽ nhanh chóng trở thành Junior và ngược lại, các Junior khi đã cố gắng hoàn thiện bản thân và tiếp thu những điều mới ở môi trường làm việc xung quanh thì sẽ nhanh chóng được công nhận là Senior dựa vào khả năng của bản thân mình.

Các kỹ năng cần có của một Senior
Để trở thành một Senior chuyên nghiệp, bạn phải có:
-
Kỹ năng giao tiếp: Kỹ năng giao tiếp tốt chính là công cụ giúp bạn truyền tải thông điệp mà mình muốn gửi tới những thành viên mới gia nhập, giúp đỡ chính bản thân mình hòa hợp với mọi người trong công ty. Giao tiếp tốt chính là một kỹ năng giúp bạn dễ dàng trình bày quan điểm, ý tưởng của mình và tránh bị hiểu lầm không đáng có.
-
Kỹ năng lãnh đạo: Đây sẽ là một kỹ năng cần thiết cho một Senior nhằm tổ chức lãnh đạo một cách chuyên nghiệp, giúp bạn lập kế hoạch hoặc giao những công việc cho Junior một cách dễ dàng và quản lý tốt những người cấp dưới. Lãnh đạo tốt chính là kĩ năng giúp bạn dễ dàng thăng tiến trong sự nghiệp.
-
Kỹ năng làm việc nhóm: Dù bạn là ai trong công ty đi nữa thì kĩ năng này vẫn là một yếu tố thiết yếu để hỗ trợ, giúp đỡ, góp ý cho cả team cùng tiến bộ và ngày càng phát triển. Đôi khi nhiều người cùng nhau làm việc sẽ đạt được hiệu quả cao hơn là một người làm việc độc lập.
-
Kỹ năng quản lý thời gian: Bạn là ai và dù đang giữ vị trí nào thì việc quản lý thời gian hợp lí hết sức là cần thiết. Bởi nếu bạn không có một lịch trình hay một thời gian biểu cho công việc hàng ngày thì chắc chắn bạn sẽ mất rất nhiều thời gian cho việc ghi nhớ mình phải làm những gì và từ đâu, điều đó ảnh hưởng lớn đến công việc của bạn, nhất là một Senior thì trách nhiệm lại càng nặng nề hơn.
Ngoài những kỹ năng trên, một Senior chuyên nghiệp phải là người tự tin, chịu được nhiều áp lực công việc và luôn luôn có cái nhìn xa trông rộng cũng như khả năng học hỏi tốt…Kỹ năng chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực bạn đang làm cũng là một phần yếu tố làm nên sự chuyên nghiệp của một Senior.
Qua bài viết này, chắc hẳn bạn đã biết vì sao nhà tuyển dụng hay sử dụng hai thuật ngữ Senior và Junior ở những trang tuyển dụng việc làm rồi chứ! Hi vọng với những thông tin về khái niệm, sự khác biệt giữa hai thuật ngữ này cũng như những kỹ năng cần có của một Senior mà chúng tôi đã cung cấp ở phía trên sẽ thực sự giúp ích cho bạn!
>>> Xem thêm các bài viết: