Trước đây, việc được vào biên chế là mục tiêu, mơ ước của không biết bao nhiêu người. Để vào được biên chế, nhiều người thậm chí phải bỏ ra rất nhiều tiền để chạy được một vị trí trong khi mức lương, phụ cấp của các vị trí này lại rất thấp, thậm chí là “không đủ sống”. Tuy nhiên, hiện nay đã có những thay đổi về chính sách khiến cho việc vào biên chế không còn hấp dẫn như trước nữa. Vậy biên chế là gì, có những quyền lợi gì hấp dẫn mọi người, những thay đổi gì trong thời gian tới ? Hãy cùng tìm hiểu kĩ hơn qua bài viết dưới đây.

Biên chế là gì ?
Một thực tế là, chưa có văn bản pháp luật nào định nghĩa về biên chế dù chúng ta nghe nói rất nhiều về cụm từ này thậm chí nó cũng được đưa vào các văn bản, tài liệu về cán bộ, công nhân viên chức của nhà nước như các Luật Cán bộ, công chức hay luật viên chức, các nghị định về vấn đề tinh giản biên chế…
Từ trước đến nay mọi người vẫn tự hiểu biên chế là những người làm việc cho các cơ quan, đơn vị công lập của nhà nước, hưởng lương, phụ cấp, chế độ theo quy định của Nhà nước. Những người này sẽ thực hiện các công việc, nhiệm vụ do các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước (Bộ nội vụ, các bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan thuộc chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố thuộc trung ương) phê duyệt và giao. Lương, phúc lợi của những người thuộc biên chế được chi trả từ nguồn kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm
Đặc điểm của biên chế nhà nước
Để trở thành cán bộ biên chế, bạn cần phải thi công chức (viên chức) vào 1 cơ quan, đơn vị nhà nước nào đó. Sau khi đã thi đỗ sẽ có một khoảng thời gian thử thách (thường là 1 năm), sau đó mới trở thành cán bộ, công nhân viên chức thuộc biên chế của cơ quan, đơn vị đó.
Ưu điểm, lợi ích to lớn nhất khiến việc vào biên chế trở nên hấp dẫn với nhiều người đó là sự ổn định, lâu dài, sự đảm bảo các quyền lợi theo chính sách nhà nước. Để hiểu rõ hơn ưu điểm này, chúng ta cần so sánh biên chế với Hợp đồng lao động.
Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động, hợp đồng lao động có thể có quy định về thời gian làm việc dài ngắn khác nhau, chính sách, quyền lợi, nghĩa vụ cũng phụ thuộc vào sự thỏa thuận này. Đặc biệt, người làm việc theo hợp đồng lao động có thể đối mặt với nguy cơ thất nghiệp khi kết thúc hợp đồng hoặc bị sa thải…
Trong khi đó, những người làm việc theo biên chế coi như đã ký một hợp đồng suốt đời, họ không có nỗi lo bị mất việc, được hưởng các chính sách theo quy định nhà nước như được tăng lương theo thâm niên, trình độ, bằng cấp; được thi chuyển ngạch bậc lương, được cử đi đào tạo, học thêm theo kinh phí nhà nước; có các đãi ngộ về bảo hiểm, lương hưu, thai sản…
Tuy nhiên, theo đánh giá chung, mức thu nhập của biên chế ở nước ta là thấp hơn nhiều so với các công ty ngoài. Bên cạnh đó, những chính sách, quy định, phong cách làm việc trong biên chế ở nước ta cũng trì trệ, nhiều bất cập hơn. Đây là những vấn đề chính khiến nhiều người e ngại khi cân nhắc vào biên chế.
Thay đổi trong thời gian tới đối với biên chế nhà nước
Trong thời gian tới, nhà nước đang xem xét đến việc bỏ chế độ biên chế suốt đời nhằm tạo ra sự cạnh tranh giữa các vị trí trong cơ quan nhà nước, từ đó nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức. Để chuẩn bị cho điều này, các cơ quan cũng đang đẩy mạnh việc tinh giản biên chế. Điều này đã khiến cho việc vào biên chế không còn giữ được sự ổn định lâu dài nữa.
Hi vọng bài viết đã giúp người đọc hiểu rõ hơn biên chế là gì cũng như các vấn đề liên quan đến biên chế nhà nước. Bất cứ nước nào cũng cần có những cán bộ, công nhân viên chức nhà nước để hỗ trợ cho việc vận hành của các cơ quan, ban ngành… Để có thể đưa đất nước phát triển ổn định thì không thể không quan tâm đến đội ngũ cán bộ này. Chính vì vậy rất cần có những chính sách phù hợp giúp các cán bộ viên chức biên chế nhà nước yên tâm làm việc.
>>> Xem thêm các bài viết: